Đời Lũ

Tác giả:
Hoàng Thu Trang

  |  

L ần đầu tiên tôi đặt chân đến miền sông nước ấy cũng là lần đầu tiên... nước mắt chưa kịp rơi mà cảnh vật xung quanh đã nhạt nhòa...Những ngôi nhà tranh lụp xụp, những rặng dừa, bạc hà, mía, những vườn cây ăn trái lẽ ra sum suê bạt ngàn biết bao nhiêu giờ đây đang tả tơi, xác xơ, ngả nghiêng dìm mình trong mênh mông biển lũ...

Sau khi bám víu vào nhau và bám lấy những cây cọc tre yếu ớt trong tâm trạng phập phồng của những người lần đầu bước chân lên cầu khỉ, chúng tôi đã đến được xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Đồng Tháp trong đợt lũ vừa qua. Lúc ấy đã là 1giờ 30 ngày 29/10. Từ xa chúng tôi nhìn thấy hàng trăm người đang nhốn nháo vây kín cả trụ sở UBND xã bởi từ ngày trước đó họ được tin hôm nay nhóm VTT và NVTL sẽ về cứu trợ. Tôi như đọc thấy cả nỗi đau lẫn nỗi mừng vui, niềm hy vọng đang ánh lên trong từng đôi mắt, trên gương mặt từ cụ già bảy mươi đến đứa bé lên năm xanh xao gầy yếu.

Chúng tôi đã không khỏi nghẹn ngào và cảm thấy như mình có lỗi khi biết rằng những cụ già lom khom ấy, những chị phụ nữ tay bế tay bồng ấy đã lặn lội ra đây từ 9 giờ sáng. Tôi cố lách người len vào đám đông để được đến bên cụ già mà ngay từ lúc đầu tôi thấy cổ cứ ngóng lên thấp thỏm, đôi mắt lem nhem hướng về phía trước như tìm kiếm...Tôi nghe lòng mình đau nhói khi biết được cụ đã đứng đây từ hơn 7 giờ sáng và đến lúc này vẫn chưa có chút gì trong bụng....Tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ cứ cố kéo chiếc nón tả tơi trên đầu mình xuống để che đi những giọt nước mắt vội vàng ...nửa của buồn tủi... nửa của mừng vui...Tôi không ngăn được nỗi xúc động và lòng xót xa đang mỗi lúc một lớn dần theo những lời tâm sự mộc mạc:

"xã này ai cũng nghèo lắm cô ơi. Lũ vừa rồi cuốn sạch trơn, nhà sập tanh banh hết, ai hên lắm gặt non được ít lúa nhưng rồi nước lên nhanh quá dời hông kịp cũng hư sạch trơn, hôm qua nghe xã phát phiếu cho nhận quà của mấy cô mấy chú trên thành phố tụi tui mừng quá đêm ngủ hông được cô ơi"...

Tôi thực sự nghe lòng bối rối và chua xót quá khi chạm phải ánh mắt trong veo màu thủy tinh của cô bé lên tám:

"cô ơi cho con xin ít ngàn mua vở, vở con bị nước cuốn hết rồi"....

Ôi có những ước mơ ,niềm hy vọng tưởng như bình thường,nhỏ nhoi bất chợt hóa thánh thiện đến lạ lùng..

Sau khi phát xong những phần quà cuối cùng tại UBND xã Tân Mỹ, chúng tôi lại tiếp tục lên đường.. Con xuồng băng băng rẽ dòng nước đục ngầu từ từ cập vào một túp lều tranh ọp ẹp mà để được chạm chân đến, chúng tôi phải một tay vịn vào những thanh tre, tay kia vịn chặt cây cọc gỗ, chân thì bám lấy phía đầu con xuồng đang lắc lư, đong đưa để lấy thế leo lên mà phút chốc cảm thấy sự sống mong manh quá chừng. 

ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là người phụ nữ khoảng trên dưới bốn mươi với một khối u to tướng che gần hết má bên trái đang ngồi co cụm trên một chiếc võng. Tôi đã nghe cổ họng mình nghẹn đắng khi biết rằng người phụ nữ mang tên Nguyễn thị Chịu, cái tên như gánh gồng cả một số phận... cái tên mà tự trong xâu xa như đã báo trước một định mệnh khắt khe, một cuộc đời cam phậngiờ đây đang đi vào ngõ cụt.Tôi vừa giận người đàn ông vô lương tâm đã quay lưng bỏ mặc vợ con mình trong quắt quay nghèo khó, bịnh hoạn, tôi vừa nghe lòng mình như xát muối thương cho thân phận người đàn bà. Có những cảm xúc dường như không thể diễn tả bằng lời khi tay tôi cầm lấy cánh tay xanh xao gầy tong như que củi kia mà thấy hai dòng nước mắt từ từ lăn trên đôi gò má không bình thường ấy. Khi nghe chúng tôi hỏi về căn bịnh và nguồn sống hiện nay của gia đình, chị nói trong tiếng đớt đớt , hụt hụt, ấm ức, nghẹn ngào

"tiền đâu mà nghĩ đến chữa bịnh hả em, ngày ngày chị chỉ húp nước cháo và nhai lá cây thôi. Lúc trước mập mạnh còn xay lúa ,đổi gạo lo cho ba đứa có được cái ăn,cái chữ còn giờ...chính quyền địa phương thương tình vừa rồi có giúp cho đợt đầu được hai trăm rưỡi để dời nhà lên lộ, đợt sau cũng nhờ anh Hải bên xã vận dộng cho thêm được hai trăm ngàn nhưng giờ đau ốm vầy không biết sao mà dời đi được. Bà con xung quanh họ cũng khổ lắm thỉnh thoảng giúp cho dược bát gạo, miếng muối, còn thì mấy đứa nhỏ đi câu cá bữa được bữa không..."

Và rồi nước mắt lại rơi... Nước mắt đã chan vào trong nước lũ... Nước mắt chan mặn thêm từng bát cơm chén cháo...Nước mắt rồi sẽ chan lên những mảnh đời vụn vỡ trong căn lều trống trước hụt sau này. Chúng tôi đã phải thiết tha lắm mới kéo được đứa con trai đầu của chị đang đứng thu mình trong xó bếp ra để chụp chung tấm hình kỷ niệm. Tôi nâng chiếc cằm nhỏ kia nghẹn ngào... ngẩng lên đi con, ngẩng lên nghe cô hỏi nè.. nhưng mái đầu nhỏ vẫn một mực cúi gằm xuống sàn và bờ vai mòng manh ấy đã rung lên trong tiếng nấc tức tưởi:

"ba con bỏ nhà đi ba năm nay rồi. Con đang học lớp sáu nhưng giờ má bịnh ,nhà không có tiền nên phải nghỉ học"...
Và đứa em gái lên mười như cũng nghẹn ngào chung với nỗi niềm của anh:
Con ước đi học nữa lắm chứ nhưng đâu có tiền đâu mà học hả cô với lại con còn phải ở nhà nấu cháo cho má"

Từ trong sâu thẳm của vô thức tôi nhận rõ hơn bao giờ hết cái thánh thiện của những giọt nước mắt quí báu ấy ,bởi đối với tôi đó không là những giọt nước mắt khóc cho mình, vì mình mà là trần trụi niềm xót xa của đứa con trai đầu trước căn bịnh ngặt nghèo và nỗi đau bị chồng ruồng rẫy của mẹ..,là xót xa với nỗi đau "không nhà không nóc" ... Tôi cố cắn chặt môi mình để những giọt nước mắt không làm ướt thêm những mảnh đời loang lỗ ấy nhưng rồi tự nơi sâu thẳm của tâm hồn tôi đã nghe sủng nước...

Chia tay người phụ nữ bất hạnh và những đứa trẻ tội nghiệp ấy tôi bước nhanh xuống con xuồng để những cảm xúc đang cố kìm chế không kịp òa vỡ làm xoáy thêm cơn lũ trong lòng những con người khốn khổ ấy. Và rồi trong khoảnh khắc, trước mắt tôi tất cả thực sự đã nhạt nhòa..Tôi đang miên man trong khoảng lặng của mình thì con xuồng cập vào một cái chòi tre xiêu vẹo nhìn tưởng chừng có thể sập bất cứ lúc nào...Một tay vươn ra níu lấy sàn , chân tì chặt lên cây cọc tôi đu mình phóc lên được trên sàn cùng với một người bạn trong nhóm và nghe nhẹ nhõm cả người. Trước mặt tôi là người đàn ông trạc năm mươi ngồi bên cạnh một người phụ nữ đầy vẻ mệt mỏi tiều tụy và ba đứa nhỏ nheo nhóc vàng vọt. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy đôi tay vội vàng luống cuống khui ngay phong bì và đôi môi run run:

"cám ơn các cô chú, cám ơn các cô chú nhiều lắm" của người đàn ông mộc mạc chất phác kia. Tôi xót xa tự hỏi : như thế này đây mà gọi là cuộc sống sao? như thế này đây mà người ta vẫn sống được thì quả là phi thường...Chúng tôi ai cũng thẫn thờ khi biết rằng mọi nguồn nước, từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh... đều múc từ trong cái mênh mông đục ngầu này đây.

Lại một lần nữa trong khoảnh khắc, tôi bỗng nghe mọi hơn thua, được mất, mọi bon chen, thù hận,mọi giận hờn trách cứ, mọi lựa chọn ,so đo, cân nhắc, lọc lường trên cuộc đời này bỗng trở nên vô nghỉa quá chừng...

Chia tay nhừng người dân miền tây một đời chịu thương chịu khó, tạm biệt miền sông nước một thời nổi tiếng trù phú, giã từ những chiếc cầu khỉ lắt lẻo bấp bênh như cuộc sống người dân vùng lũ, chúng tôi trở về thành phố mang theo trong lòng nỗi xót xa cùng bao niềm khắc khoải. Tôi cứ nghe day dứt mãi giữa cái vô hạn của nỗi khổ đau và cái hữu hạn trong sức chịu đựng của con người...Những giọt mưa giăng giăng ngoài cửa kính trên con đường về chiều nay tôi tưởng như ngàn mũi kim đang chích vào da thịt... Cơn lũ rồi sẽ đi qua nhưng nỗi đau mãi còn đó...trần trụi,khô khốc..

Nhưng một lần nữa miền tây ơi xin hãy nén nỗi đau, hãy cố gắng gượng mình chèo chống, xin hãy tin rằng tình dân tộc, nghĩa đồng bào sẽ luôn quẫy mạnh trong trái tim mỗi người dân Việt Nam cùng với nỗi đau "máu chảy ruột mềm". Xin gởi về miền tây tất cả niềm thương yêu và sự cảm thông cùng khát khao muốn được chia sẻ của những người miền Nam, miền Bắc và miền Trung ruột thịt đã một thời cùng chung số phận. Xin tri ân những vòng tay rộng mở...Xin tri ân những cánh cửa lòng chẳng bao giờ muốn khép...

Sài Gòn 30/10/00 - HTT

Close


Bạn tìm đến nhóm thiện nguyện VTT qua
www.tuoitre.org, tuoitre.org, www.tuoitre.de hoặc tuoitre.de.
Mọi ý kiến đóng góp xin bạn hãy liên lạc với chúng tôi qua lienlac@tuoitre.org.